Nó nghĩ ai cũng phải luôn trong tư thế sẵn sàng chỉ cần chờ nó lên tiếng là phải bật chạy marathon ngay - lập tức như vận động viên sau tiếng súng. Dù biết hôm nay họp lớp nhưng công việc của tôi chất đống đến nỗi tôi mê mải từ sáng đến giờ, tin nhắn của Ly kéo tôi ra khỏi mớ hỗn độn và muốn giải tỏa. Tôi bật dậy, kiếm cái áo khoác đang bị đè bẹp bởi những chồng báo cũ kỹ rồi chạy ra lấy xe.
Cat nằm trên đường ra sân bay, thoáng rộng và rực ánh đèn, hồi xưa hai đứa chỉ ra Cat khi nào rủng rỉnh, mà cái “khi nào” đó cũng hiếm hoi với tình trạng túi triền miên thiếu hụt của đời học sinh. Bây giờ cũng chính nó bày ra cái trò họp lớp tại Cat, sang vừa phải, đẹp vừa phải, đồ ăn ngon vừa phải và tiền cũng vừa phải.
Lớn rồi, đi làm và cũng giàu, ít ra là hơn xưa, vào Cat với cái tâm lý bù trừ “cho bõ ghét” cũng hay. Vừa tới nơi tôi đã được tiếp đón nồng hậu bởi cái hàng chữ chói chang trước cửa “Họp lớp WC”, chịu, không thể nào phô trương hơn thế nữa nhất là chữ WC mà chỉ có chúng tôi mới hiểu cái nghĩa “lịch sự” của nó là thế nào.
WC là World C, thế giới lớp C, lớp của những đứa mộng mơ nhiều chuyện, cố tình gây hiểu lầm với cái nơi mà ai cũng biết là nơi nào. “Sao trễ vậy, đã dặn từ tuần trước”- Ly ra đón tôi với mái tóc cụt ngủn, trách móc y như hồi còn đi học nó toàn bắt nạt tôi. “Viết bài, tui là người cuối cùng của cái tòa soạn chưa có bài nộp sáng mai” - tôi trả lời, nhìn những gương mặt trong căn phòng tê tê lạnh của Cat.
Chỉ một phần rất nhỏ của cái thời cấp ba còn vương sót lại, ai cũng điềm tĩnh hơn xưa, và kìa, Phương lớp trưởng, cô dịu dàng hơn với mái tóc bồng. Chúng tôi bắt đầu tiệc buffet như những viên đá nhẹ nhàng lăn vòng qua nhau, tôi có cảm giác mình không phải trong buổi họp lớp mà là một buổi tiệc đứng dành cho chính khách.
“Nguyên khỏe không? Tòa soạn thế nào?”. - Hà, cô bạn có mái tóc dài nhất lớp tôi, nổi tiếng với tài thi phú tuyệt vời - “Cũng tạm, công việc lu bù làm mình mệt mỏi” - tôi cười, cố nghĩ ra điều gì nữa để nói “Còn Hà, hồi đó nghe nói Hà thi sư phạm?” - “Mình đi dạy ở trường cấp hai, học sinh bây giờ nghịch hơn tụi mình hồi xưa nên dạy chúng nó cũng vất vả” - “Thế mới hiểu được thầy cô hồi đó nghĩ gì về chúng ta”.
”Nguyên, dạo này ông nổi tiếng ghê quá, mấy hôm nay toàn xã hội đen đến thuê tôi kiện ông” - Ly kéo tôi về với cái không khí năm cấp ba. Nó đang làm ở văn phòng luật sư, lương cũng khá, tối ngày tư vấn nhãn nhã vậy mà lại hay. Mấy lần hỏi sao không đầu quân về Viện Kiểm sát hay Tòa án cho có vẻ chính qui. Nó bảo dính vào mấy công chuyện qui cũ hay làm người ta mệt và nhức đầu.
Toàn lo kiện tụng mà nó vẫn phơi phới như hồi nào, nói nhiều và hay bắt bẻ người khác. Con nhỏ cũng khéo chọn nghề phù hợp. Hồi xưa nó hay chê tôi là thằng thư sinh chỉ biết dùng chữ nghĩa quăng vào người ta để thoát thân, chứ chẳng có chút chí khí anh hùng nào cả. Bây giờ lâu lâu gọi điện thoại cũng biết khen tôi “anh hùng” với mấy bài phóng sự phải đi thực tế gai góc. “Tui biết rồi, bà cứ việc kiện tui, tối ngày chỉ biết chỉ trích tui thôi”. “Chứ sao” - nó hất hất mái tóc cũn cỡn. “Lớp mình đông đủ hết không Ly?”.
“Thiếu vài đứa, Trang đang định cư ở Úc không về được, có gởi mail khất năm sau, còn Thảo bận công tác Hà Nội, mấy đứa khác thì bận gì đó, không nói nên không biết”. Tôi nhìn quanh những gương mặt từng quen mà phảng phất chút gì là lạ, có đứa thành đạt, có đứa lận đận trong cuộc sống, nhìn nhau cũng kém vô tư, cái vô tư thời học sinh giờ mới thấy quí giá dường nào. “Ông thấy chỗ này được không?”.
“Còn phải hỏi, tự tình quán của bọn mình mà, nhưng tui thấy hơi trầm” - “Đừng mong sẽ có họp lớp như năm đầu, tụi nó già cỗi hết rồi, đâu có trẻ trung như tui” - nó cười mà tôi thấy mắt nó im re. Tôi đến nói chuyện với Phương, mong sẽ ôn lại những kỷ niệm cũ thời hoạt động sôi nổi của cả hai, trông cô sang trọng và đằm tính. “Nguyên à, mình có đọc mấy bài báo của cậu, viết hay lắm”. “Cảm ơn cậu, gia đình thế nào rồi?”.
“Cũng ổn, chồng mình làm việc ở Đại sứ quán, mình chỉ ở nhà trông nom thôi” - nhìn bàn tay trắng dịu dàng của cô, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi nhớ ngày xưa Phương năng nổ, thích làm nhiều việc, cô từng chia sẻ với tôi cái ước mơ đi vòng quanh thế giới bằng tất cả lòng thành thật. Có lẽ bây giờ cái thế giới của cô cũng chỉ là những bức tranh treo trên tường rộng thênh thang và cuộc du ngoạn của tivi màn hình phẳng.
Chúng tôi nói với nhau nhiều về công việc của tôi hiện tại, có vẻ cô muốn tạo mối quan hệ tốt vì tôi là nhà báo hơn là vì tôi là bạn cùng lớp của cô. Phương của bây giờ bằng lòng với cuộc sống hiện tại và có phần kiêu hãnh nữa. Tiền bạc, sự giàu sang cũng quan trọng, nhưng tôi vẫn tưởng nó sẽ đến với cô theo cách khác. “Mình nói với Ly không nên tổ chức lớn làm gì, ăn uống nhỏ một đám bạn được rồi, mà có còn liên lạc với nhau mấy đâu, ai cũng nhạt, không cần như một thói quen để tổ chức họp lớp”. Tôi im lặng, thấy tội cho Ly, nó chuẩn bị nhiều và cũng mong đợi nhiều thứ.
Tiệc tàn, chúng tôi chia tay nhau ra về, Phương vẫy tay với tôi từ xe taxi gọi với ra: “Mình sẽ liên lạc với cậu, bye nhé!”. Tôi chở Ly về, đường sân bay lộng gió, thốc vào lòng những nỗi niềm kỳ lạ. Tôi thấy nó im lặng, sợ có chuyện gì, phải hỏi: “Bà sao vậy?”. “Có sao đâu, hay trở lại Cat, tôi thèm ăn kem quá!”. “Ừ, thì trở lại, nói cái gì đi, bà vậy làm tui sợ”. “Ông thiệt tình! Tui ít nói thì bảo là kỳ lạ, nói nhiều thì bảo chỉ trích ông” - Tôi cười hề hề, biết là nó cần tâm sự, mặc kệ bài viết ngày mai, tôi chịu thức khuya vậy.
”Kem Rhum”. “Trà đá”. “Hay nhỉ, ông keo kiệt thế à”. “Tui là vậy mà, dù là thằng sinh viên nghèo hay anh nhà báo, trà đá muôn năm”- tôi cố đùa cho nó vui. Ly cười chịu thua tôi. Các cô phục vụ đang tháo tấm băng rôn “Họp lớp WC” xuống. Tôi bất giác buột miệng: “Bà buồn chuyện lớp mình à?”. “Ừ”.
“Tui đã biết trước là sẽ thế, nhưng vẫn cố làm cái gì đó để nhớ”-”Thôi đừng buồn nữa, có tui là bạn bà trung thành suốt đời”. “Nói thế mà cũng nói được”. Cô phục vụ mang kem và trà đá ra, những viên kem tròn và sóng sánh mùi Rhum thơm nồng. Viên đá trong ly trà của tôi cũng như trở nên lóng lánh dưới ánh đèn đủ sắc. “Ông nghĩ Phương nó muốn liên lạc với ông thật à, vì chồng nó sắp được đề bạt, muốn tiếng tăm được nhân rộng thôi”.
“Ừ”. “Tui thấy ai cũng khác, tui sợ chính tui cũng khác đi nữa, hổng lẽ ra trường, vào đời là ai cũng phải lạnh lùng với nhau vậy sao?”. “Đừng nghĩ tiêu cực, cũng như người ta nói “xa mặt cách lòng”, vả lại phải có nhiều thứ chung, người ta mới gần nhau được”. “Tất cả những kỷ niệm của thời cấp ba không đáng giá để nhớ sao?”. “Có thể với tụi mình thì đáng giá, tui đi nhiều, gặp nhiều người mà không có mối quan hệ nào vô tư như thời học sinh”. “Ông còn nhớ Minh không?”. “Minh, chuyên Lý?”...
Minh là cậu con trai bị u não đã mất năm chúng tôi học 12 đang chuẩn bị thi đại học, tin này là một sự ngỡ ngàng cho tất cả chúng tôi. Dẫu có đứa biết Minh, có đứa không. Những gì còn đọng lại trong tâm trí tôi lúc đó về cậu bạn khác lớp là sự rụt rè, luôn né tránh các mối quan hệ xung quanh nên ít ai biết cậu ta. Rồi khi cậu ấy mất, đột ngột như chiếc lá tự nhiên rơi xuống, chúng tôi băn khoăn không rõ là sự thật hay ngỡ mình như đang đi trong một cơn mơ. Chỉ thấy buồn kỳ lạ!
Sáng ngày xe tang đưa Minh đi ngang trường, chúng tôi đến thật sớm để tiễn đưa, tôi nhớ rõ hôm đó không hiểu sao mắt tôi cay cay. Buổi sớm lạnh và ảo não. Những bạn gái, trong đó có Phương, lặng lẽ nhìn theo chiếc xe có di ảnh Minh và lặng lẽ khóc... Lớp cậu ta sau chuyện đó mới chợt nhận ra một thành viên của lớp mình, người luôn xa cách không tham gia vào các cuộc nói chuyện lại có một bí mật đau buồn đến thế.
Câu chuyện về cậu bạn ấy truyền đi khắp trường tôi, ai cũng buồn, ai cũng sẻ chia chút gì tiếc nuối, và ai cũng nhìn nhau như tự hỏi nếu có ngày nào đó ta đột ngột mất đi một người bạn cạnh mình. Chúng tôi gần nhau hơn, thương yêu nhau hơn, và những đứa đang giận nhau cũng cố làm lành. Khi đó chúng tôi quá trẻ, quá chân thành, và sợ mất tình bạn biết bao nhiêu.
”Hôm đó tui không hiểu vì sao mình khóc, tui không quen Minh, chỉ nghe kể. Hôm rồi một chị bạn cùng cơ quan bị tai nạn mất, tui đi dự đám tang thấy người ta ăn bánh uống trà, bạn bè trong cơ quan không ai khóc, mà tui cũng thấy mình không khóc, lãnh đạm bình thường, ông thấy có khủng khiếp không?”. “Minh chết quá trẻ, và lúc đó chúng ta dễ xúc động hơn bây giờ”. “Tui bắt đầu sợ cuộc sống, sợ thời gian, nó làm tui thấy mình càng lúc càng vô cảm” - “Bà bi quan quá!”.
“Ông không thấy vậy sao, buổi họp lớp hôm nay tui có cảm giác lạc lõng vì chỉ có tui mong đợi nó, còn mọi người thì không, cả ông cũng sẵn sàng quên mà!” - Tôi im lặng, Ly nói đúng, tôi sẵn sàng quên bẵng đi khi công việc dồn ắp trong đầu làm cho tôi không thể nghĩ tới một điều gì khác nữa. “Tui xin lỗi bà, tui bận quá!”. “Mà thôi, ai cũng vậy, có gì đâu mà xin lỗi, tui buồn nên nói vậy thôi”. “Làm việc ở văn phòng luật sư tui thấy người ta cũng lạnh lùng, đụng chạm đến quyền lợi là ai cũng thành kẻ thù hết”.
“Ngày xưa đi học, chúng ta không phải lo cơm áo gạo tiền, cũng không phải tiến thân, ngay cả bộ đồng phục mặc đi học cũng giống nhau, thì có gì mà phải lo nghĩ ganh ghét chứ”. “Thôi, tui nghĩ chắc tui là đứa khùng, đòi hỏi chuyện không thể ở cái cuộc sống vốn dĩ đã như vậy, sống tình cảm thì sợ người ta lừa gạt mình. Mà tui nói thiệt, tui thà bị lừa gạt thiệt thòi còn hơn”. “Ăn kem đi, tan hết rồi kìa, người ta sắp đóng cửa, bà tính tụi mình ăn vạ ở đây hả?”. “Ừ, thôi! May mà tui còn có ông là bạn”. “Nói nghe chịu hổng nổi, tui tử tế mà bà đâu có hiểu cho”...
Tối mịt mù, đưa Ly về nhà xong, tôi chạy xe lang thang ngoài đường bạt gió, thấy mình bơ vơ kỳ lạ và không một chốn về. Tôi bắt đầu cảm thấy mình lạc lõng, nhịp sống cứ hối hả trôi đi trôi đi, như những dãy đèn vàng kia chạy ngược phía dòng xe lấp lánh. Công việc, sự thăng tiến, thành đạt, tất cả những mơ ước và những gì đạt được phút chốc không còn trong tôi nữa.
Tôi nghĩ về Ly, về Phương, về chúng tôi, những đứa đang đóng vai chính mình trong một xã hội lớn lao, thì cái ước vọng “như xưa” của Ly chắc khó lòng thực hiện. Ngày xưa chúng tôi vô tư bao nhiêu thì bây giờ sự vô tâm lấn át bấy nhiêu dẫu cho có người lớn đến thế nào. Tôi thấy mình không bằng Ly, không dám chịu thiệt thòi để sống tình cảm như xưa.
Bất giác tôi nhận ra mình cũng như con mèo ngủ say sưa trong cái nôi nhịp sống sôi động chưa bao giờ biết tỉnh giấc để thấy những tình cảm, những kỷ niệm tươi đẹp còn sống mãi trong ký ức chúng tôi...
HẢI NGUYÊN (Singapore)